• Đăng nhập
    Ghi nhớ
0234.2243717


Tinh hoàn ẩn
1. Thế nào là tật tinh hoàn ẩn?

Thế nào là tật tinh hoàn ẩn? (Về đầu)

Tinh hoàn ẩn là tật xảy ra ở trẻ nam khi trong tinh hoàn của trẻ bị thiếu 1 hoặc cả 2 tinh hoàn. Nếu trong năm đầu sau sinh mà cả hai tinh

untitled-1 copy
Hình 1 : Tinh hoàn ẩn

hoàn vẫn chưa có mặt trong bìu thì có thể chắc chắn là trẻ mắc tật tinh hoàn ẩn (hình 1).

Tật được gặp ở 1/3 số trẻ nam sinh thiếu tháng, 1/30 số trẻ nam sơ sinh và 0,8% trên số trẻ nam trên 1 tuổi. Trong thực tế tinh hoàn ẩn được phát hiện ở mọi lứa tuổi do không được quan tâm hoặc bị bỏ sót trong quá trình thăm khám lâm sàng.

Tại sao xảy ra tinh hoàn ẩn ? (Về đầu)

Trong thời kỳ bào thai, 2 tinh hoàn của thai nam phát triển trong ổ bụng của thai nhi. Vào tháng thứ bảy của thai kỳ chúng di chuyển dần về phía dưới để đi vào trong bìu. Nếu quá trình này không xảy ra hoặc xảy ra không hoàn toàn đối với 1 hoặc cả 2 tinh hoàn sẽ làm xuất hiện tật tinh hoàn ẩn.

Nguyên nhân gây ra tật này không được biết rõ, có thể do thiếu hormone của mẹ hoặc của thai nhi hoặc do cản trở trên đường đi xuống của tinh hoàn.

Có thể xảy ra nhầm lẫn khi chẩn đoán tinh hoàn ẩn không ? (Về đầu)

Ở một số trẻ nam có thể không thấy rõ tinh hoàn do các cơ gắn với tinh hoàn kéo tinh hoàn lên cao (nhưng vẫn ở trong bìu).

Có thể dự phòng tinh hoàn ẩn được không ? (Về đầu)

Hiện nay chưa có cách nào để dự phòng tật tinh hoàn ẩn.

Tinh hoàn ẩn có những đặc điểm gì ? (Về đầu)

Tinh hoàn ẩn có những đặc điểm sau:

  • Trẻ sinh thiếu tháng dễ mắc tật này hơn trẻ sinh đủ tháng
  • 30% trẻ bị tật này bị ẩn tinh hoàn cả hai bên.
  • Bên phải bị nhiều hơn bên trái.
  • Có từ 2 đến 3% trẻ mắc tật này bị teo hoặc không có tinh hoàn.
  • Tật này thường kết hợp với các dị tật bẩm sinh khác và bất thường của nhiễm sắc thể.
  • Nếu trong gia đình có người mắc tật này thì tỉ lệ sinh con bị tật tinh hoàn ẩn sẽ gia tăng.
  • Một số trẻ có kèm theo thoát vị bẹn.
  • Tinh hoàn ẩn có thể nằm ở các vị trí khác nhau dọc theo đường đi xuống bình thường của nó: 10% ở trong ổ bụng, 40% trong ống bẹn, 25% ở cạnh bìu và 25% ở các vị trí bất thường khác.

Nếu trẻ bị tinh hoàn ẩn mà không được điều trị thì có thể xảy ra những biến chứng gì ? (Về đầu)

  • Ung thư tinh hoàn: Trẻ bị tật tinh hoàn ẩn có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn trẻ bình thường gấp 20 lần.
  • Vô sinh: Tinh hoàn càng ở ngoài bìu lâu bao nhiêu thì khả năng bị vô sinh sau này của trẻ càng lớn bấy nhiêu. Nếu bị tinh hoàn ẩn ở cả hai bên thì chắc chắn trẻ sẽ bị vô sinh. Nếu bị một bên có thể làm giảm khả năng sinh sản.
  • Phát triển giới tính không đầy đủ do thiếu nội tiết tố sinh dục.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ nam.

Nên làm gì khi trẻ bị tinh hoàn ẩn ? (Về đầu)

  • Cần khám thường xuyên trong năm đầu của trẻ để xem tinh hoàn có xuống được bìu hay không.
  • Không nên nói cho trẻ biết vì sẽ làm trẻ lo lắng làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
  • Nếu trẻ bị tinh hoàn ẩn, nhất là khi tinh hoàn đã nằm gần bìu việc điều trị bằng nội tiết tố hCG tỏ ra có hiệu quả. Bố mẹ của trẻ nên đưa trẻ đến khám tại các bác sĩ nhi khoa chuyên ngành nội tiết hoặc niệu nhi để được điều trị và theo dõi vì việc điều trị bằng nội tiết tố rất phức tạp.
  • Sau một năm tuổi nếu thấy tinh hoàn không xuống hoặc điều trị bằng nội khoa không kết quả cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi hoặc niệu nhi để quyết định việc phẫu thuật cho trẻ (không nên quá 18 tháng tuổi), phẫu thuật nhằm cố định tinh hoàn vào trong bìu và đồng thời giải quyết luôn tình trạng thoát vị và tránh biến chứng.

Chẩn đoán tinh hoàn ẩn như thế nào ? (Về đầu)

Đa số trẻ bị tật tinh hoàn ẩn được các bố mẹ phát hiện khi chơi đùa hoặc tắm cho trẻ. Một số được các bác sĩ nhi khoa phát hiện khi khám tổng quát cho trẻ.

Để tránh nhầm với việc tinh hoàn vẫn nằm ở trong bìu nhưng bị các cơ kéo lên cao khi bị kích thích, vì thế nên khám trẻ ở một nơi ấm áp và không làm trẻ hoảng sợ.

Vị trí của tinh hoàn ẩn có thể được xác định bằng siêu âm. Nếu không xác định được vị trí của tinh hoàn ẩn bằng siêu âm khi đó cần phải soi ổ bụng để tìm, công việc này phải được thực hiện tại bệnh viện có đủ điều kiện trang thiết bị.

Do tinh hoàn có thể tự xuống trong 12 tháng đầu sau sinh do đó cần theo dõi thường xuyên trong năm đầu tiên để xem tinh hoàn có xuống được hay không và có cách giải quyết kịp thời.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Ngọc Từ (1995), Tinh hoàn ẩn, " Bệnh học Tiết niệu" Hội Tiết niệu Hà Nội, NXB Y Học, 570-576.
2. Biserte J. (2001), Chirurgie du testicule non descendu. Encycl Méd Chir, Editions Scientifiques et Médicales Elsevier, Paris, tous droits réservés, Techniques chirurgicales - Urologie, 41- 410.
3. Hutson J.M. (2006), Orchidopexy. "Pediatric Surgery", (Puri P. ; Höllwarth M. E. (Eds.)), © Springer-Verlag, 555 - 568.

Biên soạn: PGS. TS Lê Đình Khánh




   
_PRINTER



Các loại dị tật bẩm sinh



ĐƠN VỊ HỢP TÁC   VỀ CHÚNG TÔI KẾT NỐI CÙNG CHÚNG TÔI


Cổng thông tin Chào đón tương lai (chaodontuonglai.vn) là một website phi lợi nhuận, được xây dựng nhằm cung cấp những thông tin về Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, các khuyết tật bẩm sinh thường gặp trong cộng đồng...

Chúng tôi luôn chào đón những tấm lòng hảo tâm của tất cả các bạn, đến với các em bị khuyết tật bẩm sinh. Mọi chi tiết xin liên hệ +84 234 2243717 hoặc truy cập website ogcdc.org




©2010-2017 Cổng thông tin Chào đón tương lai, Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh, Đại học Y Dược Huế



Phát triễn bởi NHBC.link